Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh – nét đẹp xứ Huế
Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh tại xã Quảng Lợi, tỉnh Thừa Thiên – Huế được xem là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa đặc biệt nhất xứ Huế. Không chỉ là nơi ngư dân mua bán tôm cá, chợ nổi trên vùng đầm phá Tam Giang này còn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của mảnh đất Cố đô. Nếu đã đến với xứ Huế mộng mơ, dành thời gian khám phá chợ nổi độc đáo nhất định sẽ tô điểm thêm cho chuyến đi của bạn nhiều điều thú vị.
Mục lục
1. Tổng quan về chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh
Nằm trên phá Tam Giang – Hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh (thuộc xã Quảng Lợi, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) được xem là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa đặc biệt và thu hút du khách đến tham quan nhất tại xứ Huế.
Chợ nổi thủy sản thường bắt đầu từ 4 giờ đến 7 giờ hàng ngày khi trời còn tờ mờ sáng, trên một vũng đầm hàng trăm thuyền chài của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, thôn Cư Lạc và một số vùng lân cận. Sau khi đánh bắt, ngư dân sẽ về tập trung ở đây bắt đầu mua bán trong phiên chợ nổi. Làm nhộn nhịp cả một khu đầm yên ả.
Thành quả sau một đêm quăng chài, thả lưới, đặt nò sáo của người dân thường là các loại thủy sản như cá Bống, các Dìa, cá Tràng, cá Ong, tôm Rằng, tôm Gân, cua, lươn…tươi sống, chất lượng. Trong khoảng không bao la rộng lớn đó, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh như một điểm sáng vừa mang tính kinh tế vừa mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng sông nước.
Khoảng 4 giờ sáng, vùng đầm phá của thôn Mỹ Thạnh đang chìm trong bóng đêm dày đặc bỗng sáng dần lên bởi những ánh đèn pin. Ánh đèn tứ phương tiến về theo sự di chuyển của hàng trăm chiếc thuyền bé nhỏ. Tất cả tạo nên một điểm sáng lớn giữa mênh mông đầm phá. Đó là cảnh họp chợ tại chợ nổi thôn Mỹ Thạnh khi quan sát từ trong bờ.
Nếu đến đây, bạn sẽ nhận ra chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh không giống như các khu chợ khác tại xứ sở kinh kỳ. Khung cảnh mua bán, trao đổi tại đây nhộn nhịp nhưng vô cùng trật tự. Lời nói, tiếng cười giữa kẻ bán người mua chỉ đủ để cho đối phương nghe. Người trao hàng, người nhận hàng rồi trả tiền, tuyệt nhiên không có lời trả giá.
Ngoài dân trong vùng, khách mua ở đây còn là tiểu thương buôn thủy sản. Người bán thì bán hàng nhanh để trở về nhà ngủ một giấc, người mua thì mua cho kịp buổi chợ sáng. Hoạt động của chợ vì vậy chỉ diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, vội họp và vội tan.
2. Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh có gì đặc biệt?
2.1 Khung cảnh làng quê thanh bình trên miền sông nước
Khi đất trời còn đang ngái ngủ, đầm phá Tam Giang đã bắt đầu le lói những ánh đèn từ xa của những người dân chài. Khung cảnh làng quê thanh bình trên miền sông nước cứ thế dần dần xuất hiện, đưa bất cứ ai đặt chân đến đây lạc vào bức tranh xinh đẹp, yên tĩnh. Khu chợ nổi tưởng lạ mà quen, hầu như những ai đến chợ cũng biết mặt nhau, biết cả tên họ, quê quán, tuổi tác nên mỗi lúc họp chợ lại đầy ắp tiếng cười.
Thương lái nhanh tay thu mua tôm cá để kịp phiên chợ sáng các chợ huyện và chợ lớn ở thành phố Huế. Dân chài thì tranh thủ bán nhanh những sản phẩm tôm, cá vừa đánh bắt được để thu xếp ngư lưới cụ trở về nhà. Có tiền bán cá, í ới gọi những chiếc thuyền tạp hóa gần đó để mua gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… phục vụ cho sinh hoạt các thành viên trong gia đình. Cuộc sống của họ quay vòng đơn giản bình dị như vậy từ ngày này sang ngày khác trên sóng nước.
Nhờ sự giao thương, buôn bán thuận lợi mà cuộc sống của ngư dân Ngư Mỹ Thạnh ngày một sung túc. Người dân mong được thuận canh, thuận cư để họ lên bờ nhưng vẫn có thể duy trì được nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên sông nước để ổn định cuộc sống hơn.
Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh tồn tại đến nay cũng đã vài trăm năm. Theo nhiều người già ở đây, dân chài Ngư Mỹ Thạnh có gốc tích là người Phú Lộc, Cầu Hai (Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế). Trước đây, tổ tiên họ sống lênh đênh trên đầm phá Tam Giang. Sau đó thấy vùng rìa phá Tam Giang giàu tôm cá, thủy sản nên đã tập trung về đây, tạo thành một xóm chài gọi là Ngư Mỹ Thạnh.
Từ địa điểm mua bán cá của một làng ngư nghiệp dần dần nơi đây trở thành điểm họp chợ cho cả vùng đầm phá các huyện Phong Điền hội tụ về. Người bán hàng ở chợ nổi này là những ngư dân hành nghề chài lưới trên phá Tam Giang. Họ ra khơi đánh bắt từ đầu giờ tối, đến khoảng 3 giờ sáng thì chạy thuyền về chợ để bán những mớ cá, tôm còn tươi rói.
2.2 Chiêm ngưỡng rạng đông trên chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh
Cách Đại nội hơn 25 km, làng chài Ngư Mỹ Thạnh là một trong những điểm ngắm bình minh đẹp ở Huế. Làng chài nằm cạnh phá Tam Giang nổi tiếng với sản lượng cá lớn thu hút dân buôn lẫn người địa phương đến mua mỗi ngày.
Khi bầu trời chuyển màu huyền ảo cũng là lúc nhịp sống mưu sinh của dân vạn đò thôn Ngư Mỹ Thạnh trở nên nhộn nhịp. Le lói trong bức tranh rạng đông là ánh sáng từ đèn pin đội đầu của ngư dân, đang chiếu rọi trên sọt cá tép vừa đánh bắt. Bức tranh màu vàng cam lúc hừng đông trên chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh làm đắm say bao du khách gần xa.
Chiều tối hôm trước là lúc ngư dân đi đặt lưới, thả lừ trên đầm và quay về lúc hừng sáng họp chợ. Cảnh đánh bắt hải sản của dân vạn đò và ngắm bình minh nhuộm vàng cam được xem là một trong những nét đẹp bình dị xứ Huế. Du khách có thể lên thuyền chở thuê của ngư dân khám phá nhịp sống nơi đây. Đối với người dân vạn đò, họ xem ghe thuyền vừa là nhà ở, vừa là phương tiện mưu sinh. Đó cũng là một phần nhịp sống đặc trưng vùng đầm phá Huế.
Nhiều năm trở lại đây, Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Huế. Trên những chiếc thuyền tròng trành, du khách say mê quan sát, chụp ảnh, quay phim cảnh mua bán ở chợ. Rồi họ mua những mớ cá, mớ tôm cua còn tươi rói mang lên những nhà chồ được dựng trên phá rồi tự tay chế biến, hay nhờ ngư dân làm giúp để thưởng thức.
Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh không chỉ là nơi buôn bán thủy sản lớn nhất của xã Quảng Lợi mà còn mang nhiều nét văn hóa của người dân chài vùng đầm phá Tam Giang. Khách du lịch rất thích về đây thuê thuyền ra tham quan vùng đầm phá và làng chài. Khung cảnh thanh bình tựa bức tranh của chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh cùng với không khí trong lành, dễ chịu giúp du khách cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp miền sông nước.